Foxconn đặt chân vào thị trường bán dẫn

Foxconn đặt chân vào thị trường bán dẫn với nhà máy sản xuất chip tại Châu Hải 

Việc chủ động sản xuất chip nhớ riêng sẽ giúp hãng sản xuất nổi tiếng xứ Đài giải quyết được song song bài toán "cân não" nguồn cấp chip cho chính mình và cho các đối tác thương mại. Mặt khác đây cũng là cách giúp hãng giảm sự phụ thuộc vào Apple và tìm kiếm nguồn thu mới dù còn nhiều thử thách, chông gai trước mắt....

 

Nguồn tin riêng của Nikkei Asia Review tiết lộ hãng lắp ráp thiết bị điện thoại di động lớn nhất thế giới Foxconn Technology đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 9 tỷ USD tại Trung Quốc. Nhà máy này dư kiến sẽ đặt ở Châu Hải, thành phố phía Nam Trung Quốc và bắt đầu xây dựng từ 2020. Phần lớn khoản đầu tư này sẽ được thành phố Châu Hải tài trợ, khi xem nó như một trong các dự án công nghệ cao hàng đầu quốc gia. Gói đầu tư trị giá 9 tỷ USD này sẽ được giải ngân thành nhiều giai đoạn.  Dù vậy dự án nhà máy sản xuất chip này vẫn có thể bị thay đổi hoặc trì hoãn do các yếu tố chính trị.

                  tesla-autopilot_vbyy

    Nguồn cung cấp chip cho robot và xe tự lái mới là miếng bánh béo bở trong tương lai gần mà Foxconn hướng đến 

Việc hoàn thành nhà máy sản xuất chip nhớ riêng được Foxconn kỳ vọng sẽ đưa vị thế của hãng ngang hàng những tên tuổi đầu ngành công nghiệp này mà TSMC là một ví dụ điển hình. Cũng theo Nikkei, nhà máy của Foxconn sẽ tập trung sản xuất chipset cho các tivi độ phân giải siêu nét 8K, các cảm biến hình ảnh cho camera, cũng như hàng loạt cảm biến khác sử dụng cho mục đích công nghiệp và các thiết bị kết nối. Mục tiêu sâu xa hơn khi xây dựng nhà máy ở Châu Hải của Foxconn là lấy đây làm cơ sở để phát triển nhằm hướng đến nguồn cung cấp chip xử lý cao cấp dùng cho robot và các xe tự lái.

Nếu hoàn thành được mục tiêu này, nhà sản xuất xứ Đài sẽ giải quyết cùng lúc được hai bài toán “cân não” chip nhớ cho riêng mình và nguồn cung chip cho các đối tác của hãng. Quyết định này sẽ khiến những công ty hàng đầu trong lĩnh vực gia công chip như: TSMC, Globalfoundries, đơn vị sản xuất chip của Samsung Electronics, và Semiconductor Manufacturing International Co của Trung Quốc đứng ngồi không yên vì giờ đây họ đã có đối thủ cạnh tranh với tiềm lực không nhỏ.

Được biết bên cạnh Foxconn và chính quyền thành phố Châu Hải, dự án này nhiều khả năng sẽ có sự hậu thuẫn của tập đoàn điện tử Nhật Bản Sharp, vốn đã về chung một nhà với Foxconn vào năm 2016 (Foxconn đã chính thức là chủ sở hữu của Sharp từ năm 2016 với giá 3,5 tỷ USD). Tuy nhiên, Sharp đã dừng phát triển công nghệ bán dẫn khi họ gặp các vấn đề tài chính vào năm 2010.

Thách thức cũng như cơ hội đặt ra cho Foxconn không hề nhỏ như lời nhà phân tích Mark Li, tại Bernstein Research: "Để xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất chip đòi hỏi phải có một bề dày kinh nghiệm đã được tích lũy lâu dài. Thực sự rất khó để người mới chân ướt chân ráo vào nghề sản xuất chip như Foxconn có thể thành công chỉ sau một đêm. Cần một khoản đầu tư dài hạn để đưa ra những công nghệ tiên tiến, trước khi sinh ra được lợi nhuận.Không hề dễ dàng để Foxconn kịp tuyển dụng nhiều chuyên gia cần thiết cho việc phát triển và sản xuất chip trong ngắn hạn."

           Nha may san xuat iphone cua Foxconn

    Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở Trịnh Châu – thủ phủ Hà Nam

    Trước đó Foxconn cũng để ngỏ khả năng mở nhà máy sản xuất iPhone tại Việt Nam

Hãng sản xuất xứ Đài xem dự án này là một trong nhiều cách để giảm hẳn sự phụ thuộc vào Apple, vốn chiếm đến một nửa doanh thu hàng năm của họ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường smartphone toàn cầu đang chậm lại và các điện thoại thông minh đến từ “Táo Khuyết” cũng không nằm ngoài tâm bão suy thoái. Doanh thu hàng năm của Foxconn hiện tại đạt khoảng 150 tỷ USD (khoảng 4,7 nghìn Đài tệ).

Nhiều năm nay Foxconn đã bắt đầu chuyển dịch sang ngành sản xuất bán dẫn để giảm phụ thuộc vào mảng kinh doanh gia công đồ điện tử, tuy nhiên sự hiện diện của họ trong lĩnh vực này vẫn rất hạn chế. Hiện tại họ có 4 chi nhánh liên quan đến chip, bao gồm cả phần lớn cổ phần tại nhà máy sản xuất bán dẫn Marketech International – tuy nhiên chúng chỉ mang lại doanh thu khoảng 1,25 tỷ USD trong năm 2017.

Dự án tại Châu Hải cũng là dự án lớn thứ hai đến từ Foxconn trong năm 2018 sau khoản đầu tư của công ty trị giá 10 tỷ USD vào bang Wisconsin của Mỹ để xây một nhà máy sản xuất tấm nền LCD tại đây. Cả hai dự án này được xem như các động thái để Foxconn duy trì quan hệ tốt với cả Washington và Bắc Kinh khi cả hai đang ở thế đối đầu trong cuộc chiến tranh thương mại./.

Việc chủ động sản xuất chip nhớ riêng sẽ giúp hãng sản xuất nổi tiếng xứ Đài giải quyết được song song bài toán cân não nguồn cấp chip cho chính mình và cho các đối tác thương mại. Mặt khác đây cũng là cách giúp hãng giảm sự phụ thuộc vào Apple và tìm kiếm nguồn thu mới dù còn nhiều thử thách, chông gai trước mắt....